TÜV Rheinland Blog - Insights from Asia and Africa

Tìm hiểu các biểu tượng an toàn thực phẩm

Được đăng bởi TÜV Rheinland Việt Nam ngày 20/02/17 10:08

Nội dung trọng tâm của bài viết này là các biểu tượng về sản phẩm tiếp xúc với thực phẩm và ý nghĩa của chúng. Được thể hiện ngay trên sản phẩm hay trên bao bì, các biểu tượng này thông báo cho chúng ta biết cách sử dụng dụng cụ trong bếp một cách hợp lý và an toàn.

 cooker-82993_960_720.jpg

 

1. Các nhãn tiếp xúc thực phẩm an toàn

 

1-2.jpg

Trước tiên là biểu tượng một ly rượu đặt bên cạnh chiếc nĩa được cách điệu hóa – biểu tượng quốc tế dành cho các vật liệu an toàn đối với thực phẩm.

 Hầu hết các quy định về tiếp xúc thực phẩm trên phạm vi toàn cầu đều cho phép các nhà sản xuất sử dụng biểu tượng này trên cơ sở tự nguyện, chỉ trừ một trường hợp ngoại lệ. Pháp chế của Liên minh châu Âu quy định việc áp dụng một trong ba cách chỉ dẫn trên các sản phẩm (đồ gia dụng) còn ở giai đoạn chào bán và chưa tiếp xúc với thực phẩm. Các sản phẩm ấy phải được dán nhãn thể hiện một trong ba cách chỉ dẫn sau đây:

  • Cho biết mục đích sử dụng dự kiến của sản phẩm bằng cụm từ “dành để tiếp xúc với thực phẩm”;
  • Cho biết một ứng dụng cụ thể của sản phẩm, ví dụ như “thìa súp”; hoặc
  • Bao gồm biểu tượng nêu trên.

 

Vừa qua, bên cạnh các tuyên bố cơ bản về độ an toàn khi tiếp xúc với thực phẩm, có một hiện tượng dần trở nên phổ biến là các công ty tự nguyện ghi rõ rằng sản phẩm của họ không chứa một số chất nhất định, thường thấy nhất là nhãn “không chứa BPA” trên các vật liệu nhựa. Các bạn cũng có thể thường bắt gặp các sản phẩm đồ dùng bếp núc và làm bánh được dán nhãn “không chứa PFOA”. Đó không phải là các loại nhãn bắt buộc sử dụng, cũng như chưa có một biểu tượng tương ứng được chấp nhận phổ biến; vì thế các loại nhãn đang được sử dụng có thể khác biệt theo từng sản phẩm. Nếu một sản phẩm tiếp xúc với thực phẩm không có một trong các loại nhãn này, điều đó không có nghĩa là sản phẩm ấy có chứa các loại hóa chất nêu trên. Về cơ bản, tất cả các loại nhựa, ngoại trừ nhựa PC (polycarbonate) tự thân chúng không chứa BPA, bất kể có được dán nhãn tuyên bố rõ ràng như thế hay không.

 

2. Các nhãn tính năng sản phẩm

Các công bố về tính năng của sản phẩm được sử dụng để cho biết công dụng và khả năng chống chịu hao mòn của một sản phẩm. Qua đó, các nhà sản xuất giúp khách hàng hiểu được cách sử dụng sản phẩm thích hợp, tránh gặp phải các mối nguy hại về mặt hóa chất và cơ học có thể xảy ra. Các công bố này có thể được thể hiện dưới dạng các biểu tượng đồ họa hoặc bằng văn bản. Hiện vẫn chưa có một hệ thống ghi nhận tính năng của sản phẩm được chấp nhận rộng rãi để áp dụng cho các nhãn “không chứa BPA/PFOA”.

An toàn với lò vi ba

2-1.jpg

Các đường sóng bức xạ là chi tiết nhất quán trong mọi biểu tượng xác định sản phẩm có thể sử dụng được trong lò vi ba. Đôi khi, chúng còn được thể hiện kết hợp với một chỉ dẫn giới hạn về nhiệt độ hay điện năng để cho biết rằng nên sử dụng sản phẩm khi lò được cài đặt ở các chế độ “thấp”,  hoặc không nên sử dụng sản phẩm trong các lò vi ba có công suất cao. Trong một số trường hợp thường gặp ở châu Âu hơn là ở Hoa Kỳ, cụm từ “Chỉ dùng để hâm nóng” được thêm vào để cho biết rằng sản phẩm không thích hợp đun nấu trong lò vi ba.

An toàn với tủ đông

3.jpg

Hình ảnh một bông tuyết thể hiện sự đông lạnh có lẽ là dấu hiệu dễ nhìn nhận hơn cả. Bông tuyết là biểu tượng hoàn hảo để xác định các dụng cụ nhà bếp được sử dụng an toàn trong tủ đông. Một số biến thể của biểu tượng này có thể bao gồm các mức giới hạn nhiệt độ tối thiểu nhằm ngăn ngừa các tổn hại về mặt cơ học cho sản phẩm.

 

An toàn với máy rửa bát

Có lẽ đây là loại biểu tượng rối rắm nhất, bởi lẽ nó bao gồm nhiều biến thể khác nhau:

5.jpg

Các loại nguồn cấp nhiệt phù hợp

4.jpg

Bởi lẽ không phải mọi dụng cụ nấu nướng đều được sử dụng phù hợp với mọi loại nguồn cấp nhiệt, xác định rõ nguồn nhiệt thích hợp đối với từng dụng cụ bếp núc là điều thiết yếu. Liên minh châu Âu đã tiêu chuẩn hóa công tác đóng dấu sản phẩm thông qua tiêu chuẩn EN 14916. Các ví dụ minh họa bên trên, xét lần lượt theo thứ tự từ trái sang phải, xác định các nguồn nhiệt thích hợp đối với dụng cụ nhà bếp là bếp điện từ, bếp điện và bếp gas. Cụ thể hơn, do điện từ chỉ tác động đến các kim loại có chứa sắt (có từ tính), các bạn nên tìm hiểu thông tin về dụng cụ nhà bếp cần mua để sử dụng với bếp điện từ có sẵn tại nhà.

Bên cạnh tất cả các biểu tượng nêu trên, các bạn cũng nên tìm hiểu thêm thông tin về hướng dẫn sử dụng hay các mặt hạn chế của một đồ dùng cụ thể. Các thông tin như thế có thể là các giới hạn về nhiệt độ hay thiết bị nấu nướng, hoặc các loại thực phẩm không thích hợp để sử dụng (ví dụ như không để đồ dùng tiếp xúc với thực phẩm có tính a-xít).

 

3. Các nhãn tái chế

Các nhãn tái chế đã được áp dụng tại rất nhiều quốc gia nhằm đơn giản hóa quy trình tái chế, cho dù theo quy định bắt buộc hay tự nguyện. Tại Hoa Kỳ, tiêu chuẩn ASTM D7611 quy định các biểu tượng tái chế khác nhau cho các vật liệu chất dẻo hay nhựa khác nhau. Dưới đây là hình ảnh minh họa các loại biểu tượng nói trên cùng với một số ví dụ điển hình về loại bao bì tiếp xúc thực phẩm được làm ra từ các loại nhựa tương ứng với các biểu tượng ấy.

Presentation1.jpg

Mã tái chế đang được sử dụng bắt buộc tại 39 tiểu bang của Hoa Kỳ. Cho đến nay, các quốc gia khác như Australia hay Canada cũng áp dụng mã tái chế nhưng chỉ dựa trên cơ sở tự nguyện.

Căn cứ Chỉ thị 94/62/EC, Liên minh châu Âu đã đưa ra một hệ thống mã số tái chế tương tự, định ra các con số và chữ cái cho các loại vật liệu khác nhau. Hệ thống ấy phát triển thêm một bước khi bao gồm thêm các vật liệu khác như thủy tinh, gỗ và vải sợi. Theo Quyết định 97/129/EC của Ủy ban châu Âu, hệ thống mã số ấy được áp dụng trong phạm vi Liên minh châu Âu trên cơ sở tự nguyện.

Chuyên gia: Melanie Schubert

 

Tập đoàn TÜV Rheinland

Là nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật hàng đầu trên thế giới, TÜV Rheinland có thể thực hiện các hoạt động tiếp cận thị trường toàn cầu một cách hiệu quả. Dù là nhà bán lẻ hay nhà sản xuất, chúng tôi đều có thể hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao uy tín thương hiệu thông qua hoạt động kiểm định và chứng nhận sản phẩm dựa trên các yêu cầu quy định,  tiêu chuẩn chất lượng quốc tế và yêu cầu riêng của nhà mua hàng. Khách hàng có thể tin chắc rằng một sản phẩm được TÜV Rheinland chứng nhận là một sản phẩm an toàn và đáng tin cậy. Mục đích mà chúng tôi hướng đến là góp phần tạo nên một thế giới an toàn hơn cho hôm nay, cho ngày mai và cho tương lai, thông qua việc hỗ trợ các khách hàng của mình nâng cấp các chương trình đảm bảo chất lượng sản phẩm. Hãy liên hệ với Bộ phận Chuyên trách về sản phẩm Tiếp xúc Thực phẩm để biết thêm thông tin về các dịch vụ kiểm định và chứng nhận của chúng tôi.

 

 Liên hệ ngay

Chủ đề: Tiếp xúc với thực phẩm, An toàn