TÜV Rheinland Blog - Insights from Asia and Africa

Thử nghiệm sản phẩm dệt may: Đừng để một chiếc cúc làm hỏng cả bộ quần áo

Được đăng bởi TÜV Rheinland Việt Nam ngày 07/11/17 10:40

Khi chọn quần áo cho bản thân hay con cái, có thể bạn quan tâm chủ yếu đến thiết kế, màu sắc, chức năng, chất liệu, v.v… Từ cúc áo đến dây kéo, các phụ kiện quần áo với đủ loại hình, màu sắc và chất liệu cấu thành nên một bộ phận quan trọng trong mỗi bộ quần áo. Cho dù bạn là một nhân viên kiểm tra chất lượng quần áo tại các xí nghiệp hay chỉ là một người tiêu thụ bình thường, bạn có thực sự hiểu rõ những nguy hại tiềm ẩn trong các phụ kiện quần áo hay không?

Quan ao.jpg

Quy định REACH (Đăng ký, Đánh giá, Chứng nhận và Hạn chế hóa chất) số 2015/628 của Liên minh châu Âu xác định rõ mức hạn chế sử dụng chì trong hàng tiêu dùng đã có hiệu lực từ tháng 6/2016 . Hàm lượng chì trong một vật dụng hay bộ phận phụ kiện không được phép vượt quá 0.05%. Mức hạn chế này áp dụng đối với một vật dụng có thể được trẻ em đưa vào miệng nếu vật dụng ấy có kích cỡ dưới 5 cm (< 5 cm) hoặc có một bộ phận cùng kích cỡ nhô ra hay tháo rời được.

Cô Joyce Zhou, chuyên gia thử nghiệm và kiểm định quần áo làm việc tại TÜV Rheinland, sẽ nêu rõ chi tiết các chương trình kiểm định khác nhau cần phải áp dụng đối với từng loại phụ kiện và đưa ra lời khuyên về cách thức ngăn ngừa các vấn đề rủi ro tiềm ẩn trước khi chúng xảy ra với chúng ta.

 

Cúc áo

Cuc ao.jpg

Cúc áo là phụ kiện được sử dụng phổ biến nhất trong các sản phẩm quần áo. Ngoài vai trò mang tính chức năng truyền thống của nó, cúc áo ngày càng được sử dụng nhiều hơn phục vụ cho các mục đích trang trí cho quần áo. Cúc áo ảnh hưởng đến sự thoải mái, tính thẩm mỹ và an toàn của quần áo. Đối với quần áo dành cho trẻ em, cần phải được chú ý nhiều hơn đến cúc áo để tránh các tổn thương không đáng có.

Nếu một cúc áo không được đính vào quần áo một cách an toàn, nó có thể bị bức rời ra và bị trẻ em nuốt mất. Mức độ nguy hiểm của nó cũng chẳng khác gì so với các bộ phận nhỏ của các món đồ chơi.

Chúng ta cũng nên kiểm tra để phát hiện các cạnh, mép sắc bén của cúc áo để tránh cho trẻ bị tổn thương. Bề mặt cúc áo cũng cần được kiểm tra để phát hiện các loại hóa chất độc hại, bởi lẽ trẻ em thường dùng miệng ngậm cúc áo.

Nói chung, các loại cúc áo phải trải qua hàng loạt kiểm tra dựa trên các tiêu chuẩn EN 71-1, CEN/TR 16792, và các tiêu chuẩn có liên quan khác, để đảm bảo tính an toàn của chúng. Những biện pháp kiểm tra như thế bao gồm kiểm tra độ bền kéo để mô phỏng cách sử dụng trong thực tế và ghi nhận mức độ chịu lực kéo của cúc áo. Nhìn chung, một cúc áo thông qua biện pháp kiểm tra độ bền kéo phải chịu được một lực kéo nhất định (ví dụ: 90N) tương ứng với kích cỡ của nó mà không bị tách rời.

Cạnh mép của cúc áo cũng phải được kiểm tra bằng cách dùng tay tiếp xúc để phát hiện các điểm sắc nhọn hay rìa răng cưa nguy hiểm. Đối với các loại hóa chất, nhà sản xuất quần áo phải yêu cầu nhà cung ứng cúc áo nộp các báo cáo kiểm nghiệm hóa chất để đảm bảo rằng bề mặt cúc áo không chứa các loại hóa chất độc hại. Nếu không có các bản báo cáo như thế, nhà sản xuất nên chọn nhà cung ứng khác. Hãy cẩn trọng! Một chiếc cúc áo chất lượng kém không chỉ gây ra những tổn thất tài chính to lớn trên phương diện kinh doanh mà còn gây ra những thiệt hại không đáng có cho người tiêu thụ.

 

Dây kéo

Day keo.jpg

Dây kéo cũng là một phụ kiện thường có trong các sản phẩm quần áo. Tuy nhiên, nó có thể trở thành một hiểm họa tiềm tàng, đặc biệt là đối với các loại quần áo dành cho trẻ em.

Khóa kéo của một dây kéo có chất lượng kém có thể bị trẻ em giật đứt và trở thành một bộ phận nhỏ dễ đưa vào miệng nuốt và gây tắc nghẹn đường thở.

Chất lượng khóa kéo và răng cài của dây kéo là yếu tố rất quan trọng. Răng cài dây kéo, đặc biệt là các dây kéo bằng kim loại, có thể có các mép cạnh đủ sắc bén để gây xước da trẻ em. Nếu dây kéo chứa các chất kích thích tiếp xúc với da trẻ em, các chất ấy có thể khiến trẻ bị dị ứng.

Do các loại khóa kéo có thể bị giật đứt, uốn cong, mút bằng miệng hay rơi mất do chất lượng kém, các sản phẩm dây kéo phải đáp ứng các yêu cầu theo tiêu chuẩn EN 16732 đối với độ bền và chức năng của các bộ phận cấu thành dây kéo. Vì thế, cần phải kiểm tra độ bền kéo và độ bền xoắn của dây kéo để xác định mức độ chịu lực của nó.

Các cạnh mép của dây kéo cũng phải trải qua quá trình kiểm tra bằng xúc giác và kiểm tra các điểm sắc nhọn và rìa răng cưa. Bản khóa và dây kéo không được phép chứa bất cứ chất kích thích nào hay bất cứ chất chuyển hóa nào. Các nhà sản xuất quần áo nên yêu cầu nhà cung ứng dây kéo cung cấp các báo cáo kiểm nghiệm hóa chất để đảm bảo rằng dây kéo của họ không chứa bất cứ hóa chất độc hại nào.

 

Chỉ may

Chi may.jpg  Chỉ may cũng là một thành phần không thể thiếu được trong quy trình sản xuất quần áo.

Chúng ta thường tập trung vào việc kiểm tra chất liệu vải để phát hiện các chất nguy hại/độc hại trong khi lại bỏ qua mối hiểm họa hóa chất có trong các loại chỉ may được dùng để kết nối các mảnh vải ấy. Những sợi chỉ may mỏng manh chạy luồn qua vải và lớp vải lót để kết nối chúng lại với nhau, làm thành một sản phẩm quần áo hoàn chỉnh.

Nhuộm cũng là một công đoạn trong quy trình sản xuất các loại chỉ may, vì thế lượng hóa chất và thuốc nhuộm thuộc nhóm azo dư thừa là một rủi ro hiểm họa không thể xem nhẹ. Vì thế, công tác kiểm tra và kiểm nghiệm quần áo cũng phải chú ý đến khâu kiểm nghiệm chỉ may. Cũng cần lưu ý rằng rất nhiều nhà sản xuất sử dụng các loại chỉ đơn (thường được gọi là dây cước) cho các phụ kiện như nhãn, nhãn tự dính, kim sa, v.v… Ưu thế của loại chỉ này là có độ bền cao. Nó có màu trong suốt nên không ảnh hưởng gì đến nét thẩm mỹ của quần áo. Loại chỉ này khá cứng nên các đầu thừa ra của nó có thể gây xước da trẻ em. Thậm chí các loại chỉ bền dai có thể quấn quanh ngón tay hay các bộ phận thân thể khác của trẻ em, chèn ép các mạch máu và gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ.

 

Dịch vụ thử nghiệm sản phẩm dệt may

Các nhà sản xuất hay nhập khẩu quần áo và dệt may có trách nhiệm cần phải đảm bảo rằng sản phẩm của họ không chứa bất cứ loại hóa chất nào cũng như không có khả năng gây hại người tiêu dùng dưới bất cứ hình thức nào. Các biện pháp kiểm tra phải được thiết lập ở từng công đoạn trong quy trình sản xuất vải sợi để thực hiện công tác đảm bảo chất lượng cần thiết. Một số tiêu chuẩn hiện hành trong ngành may mặc gắn liền với phong cách thời trang. Cho dù các phụ kiện quần áo không mấy hấp dẫn nhưng điều đó không có nghĩa là độ an toàn của chúng có thể được xem nhẹ.

Đội ngũ chuyên gia và mạng lưới dịch vụ của TÜV Rheinland sẵn sàng hỗ trợ nhà sản xuất và nhà mua hàng các dịch vụ thử nghiệm trọn gói dành cho sản phẩm dệt may. Báo cáo thử nghiệm cụ thể về hàm lượng chất độc hại có thể giúp doanh nghiệp giảm thiểu các rủi ro chịu trách nhiệm đối với các sản phẩm dệt may, đồng thời nâng cao lòng tin của khách hàng đối với chất lượng và độ an toàn của sản phẩm.

 

Thử nghiệm sản phẩm dệt may      Liên hệ ngay

 

Chủ đề: Dệt may