TÜV Rheinland Blog - Insights from Asia and Africa

Robot – bạn bè, kẻ thù hay người bảo vệ chúng ta?

Được đăng bởi TÜV Rheinland Việt Nam ngày 14/02/17 10:19

Chuyên gia: Roberto Lorenzoni

Từ lâu, chúng ta đã rất quan tâm đến robot. Robot có những hành động thông minh, rất tháo vát và có thể làm việc không ngừng. Phim khoa học viễn tưởng đã đưa robot vào cuộc sống và mặc dù kịch bản phim được phóng đại, robot vẫn sẽ là một phần không thể thiếu đối với tương lai của chúng ta. Trong hầu hết thời gian, robot phục vụ con người và tương tác một cách thân thiện, nhưng đôi khi chúng cũng hung dữ với con người và có nhiệm vụ chinh phục, nô lệ, hoặc tiêu diệt loài người.

robots-1.jpg

 

Nói chung, chúng tôi tin rằng robot sẽ có lợi cho sự tiến bộ của chúng ta và con người có thể kiểm soát được người máy và sử dụng chúng cho tốt. Tuy nhiên, một số người cảm thấy rằng người máy có thể xâm chiếm cuộc sống của chúng ta, lấy đi việc làm và chống lại con người. Do đó, điều quan trọng là chúng ta bắt đầu phải cân nhắc về các vấn đề xã hội, đạo đức và pháp lý, cũng như vai trò của người máy trong cuộc sống của chúng ta.

Vấn đề người máy có thể len lỏi dễ dàng vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta là rất quan trọng, đặc biệt là hiện nay, khi công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI) tiếp tục phát triển với tốc độ nhanh. Nghị viện châu Âu phân loại AI là "Người điện" [1], và tin rằng họ sẽ giống như con người và thậm chí có thể vượt qua khả năng trí tuệ của con người trong một ngày gần đây. Điều này để lại cho chúng ta một câu hỏi rất quan trọng. Ai sẽ được kiểm soát?

Kịch tác gia Karel Čapek là người đầu tiên đặt ra vấn đề như thế trong vở kịch Rossum’s Universal Robots (R.U.R.) được trình diễn lần đầu tiên vào ngày 25 tháng 01 năm 1921[2]. Xuất phát từ “robota” có nghĩa là “lao động cưỡng bức” theo tiếng Tiệp Khắc, từ “robot” được anh trai của ông, diễn viên kịch Josef Čapek, sáng tạo ra. Vở kịch kể về các robot là những thực thể sinh học có hình dạng giống như con người được tạo ra để làm việc thay cho con người, Thời gian trôi qua, các robot ấy dần dần đảm nhận mọi công việc và nhân loại dần trở nên vô dụng, không còn khả năng đóng góp tích cực cho xã hội. Cuối cùng, các robot chán ghét thân phận làm việc nô lệ cho con người, chúng quyết định hủy diệt sự tồn tại vô dụng của nhân loại, chỉ để lại một con người vẫn còn khả năng lao động. Thực tế, con người ấy được lưu lại mạng sống chỉ vì ông ta có khả năng tạo ra nhiều robot hơn. Tuy nhiên, trước đó công thức tạo ra robot đã bị người sáng tạo ra nó tiêu hủy ngay sau khi các robot được tạo ra, và con người cuối cùng sống sót ấy không tái tạo được công thức ấy. Ở phân cảnh bước ngoặt cuối vở kịch, có hai robot cảm nhận được tình yêu và sống hạnh phúc bên nhau, để lại cho khán giả một ấn tượng rằng chúng sẽ duy trì được nòi giống và hình thành nền tảng cho một nền văn minh mới.[3][4].

Để bảo vệ nhân loại trước số phận thảm khốc mà vở kịch của Karel Čapek đã đặt ra, nhà văn Isaac Asimov đã tạo ra “Ba Điều luật dành cho Robot” trong truyện ngắn “Runaround” được ông sáng tác vào năm 1942. Ba điều luật ấy là:

1. Một robot không được làm hại con người hoặc phớt lờ để cho một con người bị tổn hại.

2. Một robot phải tuân theo những mệnh lệnh mà con người đưa ra trừ khi những lệnh này mâu thuẫn với điều luật thứ nhất.

3. Một robot phải tự bảo vệ mình với điều kiện là việc bảo vệ như thế không mâu thuẫn với điều luật thứ nhất và thứ hai. 

Các điều luật nêu trên sẽ đảm bảo rằng chúng ta có thể tránh được tình huống cực đoan như những gì mà Karel Čapek đã đặt ra trong vở kịch R.U.R. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là vẫn còn rất nhiều vấn đề tồn tại về cách thức tương tác giữa con người và các thực thể điện tử để đảm bảo tính hữu dụng, an toàn và phù hợp với luận lý xã hội. Nghị viện châu Âu đã mở ra cuộc đối thoại về “Các Quy tắc Luật Dân sự về Robot”. Bản báo cáo dự thảo[1] ngày 31 tháng 05 năm 2016 của cô Mady Delvaux, Phó Chủ tịch Ủy ban Pháp lý của Nghị viện, đưa ra một loạt đề xuất giúp Ủy ban châu Âu chuẩn bị đối mặt với sự phát triển không ngừng của công nghệ tự động hóa và trí tuệ nhân tạo.

Thông qua việc khơi dậy các mối quan tâm về tình hình tuyển dụng lao động trong tương lai và tính khả thi của hệ thống an ninh và thuế khóa hiện nay, báo cáo ấy đưa ra cảnh báo về các thách thức về mặt pháp lý, xã hội và đạo đức có thể xảy ra và mang đến những tác động đáng kể đối với cuộc sống của con người. Đó là những vấn đề có thể dẫn đến sự gia tặng tình trạng bất bình đẳng trong sự phân chia của cải và quyền lực trong xã hội. Tiến xa hơn nữa, báo cáo soạn thảo ấy còn nhận định rằng:

“… có một khả năng là trong một vài thập niên sắp tới, trí tuệ nhân tạo (Al) có thể vượt qua trí tuệ của con người. Nếu chúng ta không có sự chuẩn bị thấu đáo, điều đó sẽ đặt ra một thách thức về năng lực kiểm soát của nhân loại đối với các sáng tạo của chính mình, từ đó thách thức năng lực của nhân loại đối với quá trình làm chủ định mệnh của chính mình và đảm bảo sự tồn tại của loài người."

Báo cáo ấy phác thảo một loạt đề xuất hỗ trợ cho quá trình giới thiệu hệ thống đăng ký robot tiên tiến phổ biến khắp châu Âu, còn gọi là hệ thống Con người Điện tử, được kiểm soát bởi một cơ quan của Ủy ban châu Âu. Các đề xuất ấy còn bao gồm cả việc thiết lập các điều luật quản lý các cơ chế chịu trách nhiệm đối với các thiệt hại có thể xảy ra, cũng như hình thành hệ thống cho một bộ quy tắc đạo đức ứng xử để quy định quá trình thiết kế, phát triển và tương tác giữa con người và robot, đặc biệt hướng đến mục đích đảm bảo tính an toàn, riêng tư, liêm chính và nhân phẩm, cũng như khả năng tự quản và quyền sở hữu dữ liệu. Báo cáo cũng nhấn mạnh nhu cầu về các cơ chế chi trả các khoản đóng góp an sinh xã hội để bù trừ khoản giảm thiểu trong phần đóng góp của lực lượng nhân công cho xã hội và áp dụng cơ chế bảo hiểm trách nhiệm bắt buộc.

Robot đang được triển khai với số lượng lớn chưa từng có tại các cơ xưởng cũng như đang đảm nhận các phần việc tinh tế như chăm sóc cá nhân hay phẫu thuật, làm dấy lên nỗi lo sợ về tình trạng thấp nghiệp, bất bình đẳng về mặt thu nhập và sự tha hóa năng lực. Một số người định nghĩa tình trạng này là sự trỗi dậy của một cuộc cách mạng công nghiệp mới. Thực tế là robot đã tồn tại và chúng ta phải học cách cùng tồn tại với chúng. Giống như Ủy ban châu Âu, các quốc gia khác đang khởi động các cuộc đối thoại tương tự. Những cuộc đối thoại quan trọng ấy giúp nhân loại chúng ta gặt hái được thành quả tốt nhất từ mối quan hệ giữa con người và máy móc. Sẽ cần đến các chuyên gia để giám sát mức độ an toàn, tính riêng tư, liêm chính, nhân phẩm, khả năng tự quản và quyền sở hữu dữ liệu. Tôi tin chắc rằng TÜV Rheinland có thể là một đấu thủ quan trọng trong đấu trường mới này.

 

Liên hệ ngay

 

[1] BÁO CÁO DỰ THẢO – cùng với các đề xuất dành cho Ủy ban về “Các Quy tắc Luật Dân sự về Robot” (2015/2103(INL))

[2] Three Laws of Robotics

[3] https://interestingliterature.com/2016/03/14/the-curious-origin-of-the-word-robot/

[4] http://www.todayifoundout.com/index.php/2012/05/where-does-the-word-robot-come-from/ 

Chủ đề: EMC, An toàn